(Quanlynhanuoc.vn) – Trong xã hội học tập, mọi người dân đều phải học tập suốt đời để có được những năng lực cốt lõi, gồm: những kỹ năng cơ bản và những phẩm chất mong muốn cần cho cuộc sống cũng như cho sự phát triển bền vững của xã hội – đó là những công dân học tập. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, những công dân học tập cần phải có những kỹ năng số để sống trong môi trường số.
Quá trình nghiên cứu tiêu chí đánh giá mô hình “công dân học tập”
Ngày 08/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 489/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030. Như vậy, tính đến hết năm 2020, sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ở nước ta đã trải qua 15 năm, được chia thành hai giai đoạn, gồm: giai đoạn I (2005 – 2010) theo Quyết định số 112/2005 /QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2010”; giai đoạn II (2012 – 2020) theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng xã hội học tập là xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, là trào lưu đổi mới giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong xã hội học tập, yêu cầu giáo dục – đào tạo con người là: mỗi công dân có quyền lợi và nghĩa vụ học tập suốt đời để trở thành công dân học tập (CDHT); thông qua học tập suốt đời, người dân sẽ phát huy được những năng lực cần thiết để xã hội trao quyền trong việc dự báo và giải quyết những thay đổi liên tục của xã hội, khắc phục những nguy cơ do môi trường bị hủy hoại gây ra và đối đầu với những thách thức kinh tế. Nền giáo dục trong xã hội học tập phải giúp cho mỗi công dân có được những năng lực cốt lõi mà thế kỷ XXI đòi hỏi ở con người.
Trên thực tế, tùy theo mục tiêu chiến lược giáo dục của mình, mỗi quốc gia thường xác định những năng lực cốt lõi theo quan điểm riêng. So sánh sự lựa chọn của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Phần Lan, Xinh-ga-po, Ca-na-đa, các nước trong Liên minh châu Âu và trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, số lượng và loại hình năng lực cốt lõi không giống nhau, nhưng những kỹ năng cơ bản và những phẩm chất mong muốn với tư cách là những chỉ số đo có thể trùng nhau. Hầu như những kỹ năng sau đây đều được các quốc gia quan tâm: kỹ năng tự học, học tập suốt đời; kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc và trong giao tiếp; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; kỹ năng hợp tác, chia sẻ với đồng nghiệp, tôn trọng con người và văn hóa của người khác.
Hiện nay, các trường đại học trên thế giới cũng như trong nước đang triển khai nhiều chương trình đào tạo, hướng vào hình thành những kỹ năng cần cho việc tạo nên những năng lực cốt lõi, có thể kể đến: Trường Đại học Havard, Stanford (Hoa Kỳ), Đại học Mannheim, Aachen (CHLB Đức), Đại học Monash (Ốt-xtrây-li-a)… Ở Việt Nam, có Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Thăng Long, Học viện Ngân hàng, Học viện Viettel, Đại học FPT chú trọng xây dựng các kỹ năng rất cơ bản, như: kỹ năng tự học, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng phát triển cá nhân và sự nghiệp, kỹ năng sáng tạo và mạo hiểm…
Việc tìm kiếm mô hình CDHT phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và trình độ sản xuất của Việt Nam, trước hết phải dựa vào quan điểm đào tạo con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh với triết lý nổi tiếng của Người: “Học không bao giờ cùng”1. Do đó, con đường giáo dục con người phải bảo đảm sự phát triển hài hòa năng lực và phẩm chất đức – tài, đây là hai yếu tố cơ bản không thể thiếu trong nhân cách công dân.
Tổng hợp nhiều bài nói, bài viết được lưu lại trong Di sản văn hóa Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thấy bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng phải thực hiện ba nghĩa vụ cơ bản là: học tập, lao động và phục vụ cách mạng; bốn vai trò cơ bản mà bất kỳ công dân nào cũng phải thực hiện tốt, gồm: người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt và người cán bộ tốt.
Quay trở lại lý thuyết hiện đại về xã hội học tập và việc học tập suốt đời của con người mà Jacques Delors cùng các thành viên của Ủy ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI đã trình bày trong báo cáo “Học tập – một kho báu tiềm ẩn”: việc học tập suốt đời phải dựa vào 4 trụ cột giáo dục: học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người; việc học tập suốt đời được triển khai liên tục dưới những hình thức học tập: học chính quy, học không chính quy và học phi chính quy2. Quá trình học tập suốt đời gồm các nội dung sau:
Quá trình học tập: giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời;
Mạng lưới học tập: các trường lớp chính quy và không chính quy (đặc biệt là các trung tâm học tập thường xuyên cấp tỉnh và huyện, trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa, câu lạc bộ và thư viện…);
Phương thức học tập: các lớp đào tạo, huấn luyện, hội nghị và hội thảo, các khóa học trực tiếp và trực tuyến. Việc học được thực hiện tại trường lớp, tại nơi làm việc, tại nhà (học mọi lúc, mọi nơi);
Công cụ học tập: ngoài những công cụ học tập truyền thống, khi triển khai học tập trực tuyến, người học phải sử dụng máy tính bàn, máy tính bảng, ipad, điện thoại thông minh…;
Sản phẩm học tập: tạo vốn con người, vốn xã hội, vốn kinh tế;
Kết quả học tập: nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội3.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia và những đề xuất Bộ tiêu chí khung đánh giá, công nhận mô hình “công dân học tập”
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chính của Quyết định này đến năm 2025 là Việt Nam phải xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có đủ năng lực để ra thế giới.
Theo Chương trình, đến năm 2025, trình độ kỹ thuật số cần đạt là: 80% hộ gia đình và 100% cấp xã có hạ tầng băng thông rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Với yêu cầu trên, người dân sẽ cần có một số kỹ năng để thích nghi với môi trường số. Trên thế giới, người ta lưu ý đến những kỹ năng số (Digital skills) sau: (1) Truy cập số (Digital access); (2) Thương mại số (Digital commerce); (3) Truyền thông số (Digital communication); (4) Kiến thức số (Digital literacy); (5) Nghi thức số (Digital etiquette); (6) Luật lệ số (Digital law); (7) Quyền và trách nhiệm số (Digital rights responsibilities); (8) Sức khỏe số (Digital heath wellness); (9) An ninh số (Digital security).
Vậy, yêu cầu đặt ra cho các chuyên gia là phải nghiên cứu và lựa chọn một vài kỹ năng số, lồng ghép chúng vào bộ tiêu chí đánh giá mô hình CDHT.
Hiện nay, những chuyên gia nghiên cứu mô hình CDHT ở Việt Nam đã xây dựng xong bộ tiêu chí khung để đánh giá công nhận danh hiệu CDHT. Gọi là Bộ tiêu chí khung bởi ở những lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, khi xây dựng mô hình CDHT sẽ phải có những chỉ số đo cho phù hợp, không áp máy móc bộ tiêu chí khung vào lĩnh vực hoạt động cụ thể.
Bộ tiêu chí khung có 3 năng lực cốt lõi. Mỗi năng lực cốt lõi bao gồm những kỹ năng cơ bản và những phẩm chất mong muốn, gồm: (1) Năng lực tự học, học tập suốt đời; (2) Năng lực sử dụng những công cụ tương tác; (3) Năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội.
Trong kế hoạch triển khai Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư, Bộ tiêu chí này đang được thử nghiệm ở nhiều địa phương, cuối tháng 7/2021 sẽ tổng kết đợt thử nghiệm, sau đó sửa đổi, hoàn chỉnh để trình Chính phủ. Theo kế hoạch, Bộ tiêu chí này sẽ được Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong quá trình triển khai Đề án “Tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr 61.
2, 3. Jacques Delors. Học tập – một kho báu tiềm ẩn. H. NXB Giáo dục, 2002.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Tất Dong. Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 – 2030. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Những năng lực cốt lõi của công dân học tập đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia”, H. 2020.
2. Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
3. Advancing 21st century competencies in Japan. https://asiasociety.org , ngày 12/3/2021.
4. Ministry of Education, Finland. Key competencies for lifelong learning in Finland, 2009, Helsinky.
5. UNESCO. Intercultural competencies: Conseptual and operational framework, 2013.
GS.TS. Phạm Tất Dong
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/08/03/xay-dung-mo-hinh-cong-dan-hoc-tap/