Triển khai mô hình công dân học tập gắn với đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng là việc làm rất cần thiết, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập và đổi mới.
Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh và UBND huyện Đoan Hùng trao học bổng 1+n cho học sinh
Xây dựng xã hội học tập bắt đầu từ phong trào học tập thường xuyên, học suốt đời của mỗi công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trong đó công dân học tập đóng vai trò nòng cốt. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với 3 trụ cột chính đó là sự phát triển của công nghệ thông tin, tự động hóa, khoa học công nghệ với hệ thống thiết bị thông minh tích hợp nhiều kỹ thuật, công nghệ đã tác động mạnh mẽ tới các nền kinh tế thế giới. Thế giới chuyển sang kinh tế tri thức - kinh tế thông minh, dựa trên nền tảng công nghệ số, “trí tuệ nhân tạo” đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số đó là những công dân học tập có những phẩm chất, năng lực, nguyên tắc tôn trọng và thực hành các chuẩn mực xã hội, như: Lòng yêu nước, yêu thương con người, yêu thương, chăm sóc người thân trong gia đình, dòng họ; có lối sống lành mạnh, trách nhiệm với cộng đồng, có ý thức tuân thủ pháp luật, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; là người lao động, có nghề, biết sử dụng tin học, ngoại ngữ; có năng lực tư duy và làm việc sáng tạo, tinh thần đoàn kết, hợp tác và chia sẻ; có tinh thần hội nhập - khả năng làm việc trong môi trường hợp tác quốc tế; có ý thức tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tôn trọng cộng đồng và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng (bình đẳng giới, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ý thức bảo vệ của công, bảo vệ môi trường...).
Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh và nhà tài trợ trao máy tính cho học sinh THCS Sơn Vi, Lâm Thao năm 2019
Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nêu rõ “Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân”. Chỉ thị 14/CT-TTg, Quyết định 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Kết luận 49/KL-TW về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thể hiện quan điểm chỉ đạo, mục tiêu chiến lược về xây dựng một xã hội học tập trong thời kỳ công nghệ số.
Là tỉnh miền núi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, cùng với cả nước, Phú Thọ đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch toàn cầu COVID-19 tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều năm qua công tác khuyến học, khuyến tài đã được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị quan tâm, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực song vẫn tồn tại một số tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình Công dân học tập - học tập suốt đời cho người lớn gắn với xây dựng các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập chưa được quan tâm đầy đủ, chưa gắn các phong trào thi đua với công nhận các danh hiệu học tập theo Quyết định 14/QĐ-UBND ngày 6/1/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa coi trọng việc học thường xuyên, học suốt đời, đôi khi còn thỏa mãn với kiến thức đã học trong các trường lớp, cơ sở đào tạo, chạy theo việc học để hoàn thiện bằng cấp, không tự giác nghiên cứu, học hỏi thường xuyên để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, kiến thức, kỹ năng hội nhập và chung sống.
Tuy vậy kết quả ba năm triển khai mô hình Công dân học tập Phú Thọ và một năm triển khai thí điểm mô hình Công dân học tập Việt Nam cho thấy khái niệm mô hình công dân học tập, học tập suốt đời đã được định hình khá rõ nét với ba tiêu chí năng lực cốt lõi (Năng lực tự học, học tập suốt đời; năng lực sử dụng những công cụ tương tác; năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội) và 10 kỹ năng cơ bản, phẩm chất mong muốn...
Để có một xã hội học tập thực sự ở Việt Nam nói chung, Phú Thọ nói riêng cần phải được nghiên cứu, tổ chức thực hiện một cách bài bản, khoa học. Phải nhận thức rõ hơn về tác động của học tập suốt đời trong điều kiện hiện nay của mỗi công dân là yếu tố quan trọng để tồn tại và phát triển mang lại những lợi ích, những giá trị thiết thực cho từng gia đình, dòng họ, cộng đồng, có tác dụng tích cực đối với việc hình thành một xã hội học tập, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Hội Khuyến học tỉnh với chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt, liên kết các lực lượng tham mưu với cấp ủy, chính quyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của khuyến học, khuyến tài đối với sự học, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan tham mưu với UBND tỉnh những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu mang tầm chiến lược về xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, đòi hỏi mỗi công dân phải thực sự đóng vai trò nòng cốt thúc đẩy phong trào học tập, phấn đấu xây dựng các mô hình học tập tiêu biểu trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị.
Sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ hội viên Hội Khuyến học tỉnh chung tay góp sức cùng chăm lo cho giáo dục và đào tạo, cho sự học sẽ là động lực để khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trên quê hương Phú Thọ ngày càng hiệu quả, tạo nên một “văn hóa học tập” trong cộng đồng: Người người học tập, nhà nhà học tập, ngành ngành học tập, tiến tới một đất nước mà học tập trở thành nhu cầu, việc làm thường xuyên của mỗi người dân trong đời sống hàng ngày không phân biệt địa vị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính hướng tới hoàn thiện tiêu chí xây dựng mô hình Công dân học tập Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ số, trong thời kỳ hội nhập và đổi mới.
Nguyễn Thị Kim Hải - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh